Quy định về hồ sơ khai thác nước mặt

1.  Văn bản pháp luật liên quan?

  • Luật bảo vệ môi trường 72/2020/QH14;
  • Luật tài nguyên nước 17/2012/QH12;
  • Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định một số điều của Luật tài nguyên nước;
  • Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

 

2.  Đối tượng nào cần phải thực hiện đăng ký, xin phép khai thác nước mặt?

►  Theo Điểm b, c, d Khoản 2, Điều 16, Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định: các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước KHÔNG phải đăng ký, không phải xin phép như sau:

  • Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây;
  • Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm;
  • Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy không vượt quá 50 kW;

►  Vậy: nếu việc khai thác nước mặt của tổ chức, cá nhân đó nhằm mục đích:

  • Khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô từ 0,1 m3/giây trở lên;
  • Khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp từ 100 m3/ngày đêm trở lên;
  •  Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 50 kW trở lên;

⇒    Các trường hợp trên phải đăng ký, xin giấy phép khai thác nước mặt.

 

3.  Căn cứ nào để cấp giấy phép?

Theo Khoản 1 Điều 19 Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định: Việc cấp phép tài nguyên nước phải trên cơ sở các căn cứ sau đây:

  •  Chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành, vùng và địa phương;
  • Quy hoạch tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch tài nguyên nước thì phải căn cứ vào khả năng nguồn nước và phải bảo đảm không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước;
  •  Hiện trạng khai thác, sử dụng nước trong vùng;
  • Báo cáo thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hồ sơ cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
  • Nhu cầu khai thác, sử dụng nước thể hiện trong đơn đề nghị cấp phép.

 

4.  Thời hạn giấy phép là bao lâu?

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 21 Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định: Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt có thời hạn tối đa là mười lăm (15) năm, tối thiểu là năm (05) năm.

 

5.  Cơ quan nào thẩm định, cấp giấy phép khai thác nước mặt?

Theo Điều 28 Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định: Thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước mặt

(1)  Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép đối với các trường hợp sau đây:

a)     Khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

c)     Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên;

d)     Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên;

đ)     Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;

(2)  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đối với các trường hợp không quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

6.  Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép?

Theo Điều 29, Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định: Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép (sau đây gọi chung là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) bao gồm:

  • Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

7.  Hồ sơ cần thiết  đề nghị cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt?

Theo Khoản 1, Điều 32, Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt (mẫu số 05 phần I thông tư 27/2014/TT-BTNMT);
  •  Đề án khai thác, sử dụng nước đối với trường hợp chưa có công trình khai thác (mẫu số 29 phần IV thông tư 27/2014/TT-BTNMT); báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước kèm theo quy trình vận hành đối với trường hợp đã có công trình khai thác (nếu thuộc trường hợp quy định phải có quy trình vận hành) (mẫu số 30 phần IV thông tư 27/2014/TT-BTNMT);
  • Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
  • Sơ đồ vị trí công trình khai thác nước.
  • Trường hợp chưa có công trình khai thác nước mặt, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

 

8.  Trình tự, thủ tục cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt?

Theo Điều 35, Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định: Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt

(1)  Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

a)     Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp hai (02) bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép còn phải nộp thêm một (01) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình;

b)     Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

(2)  Thẩm định đề án, báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép (sau đây gọi chung là đề án, báo cáo):

a)     Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo. Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;

b)     Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là hai mươi (20) ngày làm việc;

c)     Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

(3)  Trả kết quả giải quyết hồ sơ cấp phép

Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.

9.  Quy định xử phạt?

Theo Điều 9, Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 500.000.000 đồng (đối với tổ chức) khi vi phạm một trong các hành vi về lĩnh vực tài nguyên nước. (Xem chi tiết tại: Điều 9, Nghị định 36/2020/NĐ-CP)