Dự án Nhà máy chế biến gỗ Eakar Đắk Lắk
Trích lược nội dung dự án:
CHƯƠNG V: QUY MÔ DỰ ÁN
V.1. Hạng mục công trình của dự án
Dự án “Nhà máy chế biến gỗ Ea Đar” được xây dựng trên khu đất khoảng 1,8 ha thuộc khu công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Nhà máy được thiết kế với tường kiên cố có cấu trúc và được phân bổ như sau:
+ Khu vực hành chính, văn phòng bao gồm các phòng ban, bộ phận chịu trách nhiệm về mặt hành chính của công ty.
+ Khu vực nhà máy: Gồm 4 nhà xưởng và là nơi diễn ra toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà máy, tập trung tất cả máy móc thiết bị và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn lao động cho công nhân.
+ Khu vực nhà kho: Gồm 2 kho chứa nguyên vật liệu, thành phẩm và bán thành phẩm của nhà máy.
+ Khu vực nhà ăn: Là nơi ăn uống và nghỉ ngơi của công nhân nhà máy sau khi hết giờ làm.
+ Khu vực nhà xe: Là khu vực để xe của công ty.
V.2. Các hoạt động chính của dự án
Hoạt động chính của Dự án “Nhà máy chế biến bỗ Ea Kar” là sản xuất đồ gỗ xây dựng và trang trí nội thất với sản phẩm chính là ván sàn gỗ, bàn ghế gỗ xuất khẩu và pallet gỗ nhằm xuất khẩu, trao đổi hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng.
V.3. Sản phẩm đồ gỗ
V.3.1. Bàn ghế gỗ
Bàn ghế gỗ công nghiệp hiện nay khá phổ biến và mẫu mã hiện đại, không kén chọn không gian nên rất dễ sử dụng. Ưu điểm của loại này là giá thành rẻ hơn so với bàn ghế gỗ tự nhiên, mẫu mã đa dạng, không bị cong vênh hay co rút, thi công nhanh và sản xuất nhanh. Với tiêu chí đẹp, bền, dễ bảo quản, dễ lau chùi luôn là điều kiện hàng đầu mà các nhà sản xuất luôn hướng đến để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
V.3.2. Ván sàn gỗ
Sàn gỗ công nghiệp là loại vật liệu hiện đại được sản xuất từ gỗ tự nhiên kết hợp công nghệ cao để tạo ra vật liệu gỗ HDF có thể thay thế được sàn gỗ tự nhiên cũng như chống lại được các ảnh hưởng của môi trường lên các loại vật liệu gỗ truyền thống như mối mọt, cong vênh, chống ẩm, chống xước…
Cấu trúc của sàn gỗ công nghiệp bao gồm 4 lớp:
– Lớp phủ bề mặt: Có tác dụng ổn định lớp bề mặt, tạo lên lớp bề mặt vững chắc, chống nước, chống xước, chống va đập, chống phai màu, chống sự xâm nhập của các vi khuẩn và mối mọt, chống lại các tác động của hoá chất và dễ dàng lau chùi và bảo dưỡng.
– Phim tạo vân gỗ: Tạo màu sắc và vân gỗ cho bề mặt của ván sàn.
– Lõi: Là lớp sợi gỗ ép mật độ cao HDF (High Density Fiberboard) được tạo thành bởi 85% chất liệu là gỗ tự nhiên, còn lại là các phụ gia làm tăng độ cứng và kết dính cho gỗ.
– Lớp ổn định: Có tác dụng tạo sự cân bằng ổn định toàn bộ sàn gỗ, chống mối mọt, cong vênh trong môi trường có độ ẩm cao.
Chất lượng của sàn phụ thuộc vào lõi được làm bằng MDF (Medium DensityFibreboard) hay HDF (High Density Fibreboard). HDF chịu được mức sử dụng cao do áp suất nén lớn 850kg/cm2, và khối lượng riêng từ 850 – 875kg/m3.
V.3.3. Pallet gỗ
Pallet (còn được gọi tấm kê hàng) là một kết cấu bằng phẳng để tải hàng hóa để lưu trữ hoặc được nâng chuyển bởi xe nâng tay, xe nâng máy hoặc thiết bị nâng hạ khác. Một pallet là một đơn vị cấu trúc nền cho phép xử lý và lưu trữ hiệu quả. Hàng hoá mà vận chuyển trong container thường được đặt trên pallet có bảo đảm vững chắc bằng cách đóng đai, quấn bọc căng hay co lại và vận chuyển. Pallet thường là pallet gỗ nhưng pallet cũng được làm từ các chất liệu khác như: nhựa, sắt, giấy và mỗi loại nguyên liệu có những ưu và nhược điểm khác nhau.
CHƯƠNG VI: CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN GỖ
VI.1. Phân loại gỗ
VI.1.1. Gỗ tự nhiên
Gỗ tự nhiên là loại gỗ được khai thác trực tiếp từ những cây trồng lấy gỗ trong rừng hoặc từ những cây trồng lấy nhựa, lấy tinh dầu lấy quả, có thân cây cứng chắc không bị thối không bị hỏng trong thời gian ngắn thì được đưa vào sản xuất trực tiếp không phải qua giai đoạn chế biến gỗ thành vật liệu khác.
Gỗ tự nhiên có ưu điểm bền, đẹp, liên kết chắc chắn, bền với nước họa tiết, phong cách cổ điển, sang trọng nhưng nhược điểm là co giãn, cong vênh, giá thành cao. Tùy từng loại gỗ sẽ có độ co giãn, cong vênh khác nhau, vì vậy để có thể sử dụng hiệu quả chất liệu gỗ tự nhiên chúng ta phải hiểu rõ các thuộc tính của từng loại gỗ.
Gỗ tự nhiên được phân thành 8 nhóm với khoảng 365 loại gỗ chủ yếu, có giá trị kinh tế cao, có trữ lượng và sản lượng đáng kể.(Theo Quyết định số 2198/CNR ngày 26/11/1977 của Bộ trưởng Bộ lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT)).
VI.1.2. Gỗ công nghiệp
Gỗ công nghiệp nhân tạo được chế tác từ bột gỗ, nhựa tái sinh và một số hóa chất phụ gia để nén thành tấm, thanh với nhiều quy cách. Nhờ được đúc ép nên gỗ nhân tạo có thể tạo được nhiều hình dáng như vuông, tròn, ô van….. với bề mặt gỗ sần, có màu vàng sậm tương tự như gỗ thật dù không có vân. Việc gia công gỗ công nghiệp thường đơn giản hơn gỗ tự nhiên, chi phí nhân công ít, có thể sản xuất ngay không cần phải qua giai đoạn tẩm sấy, lựa chọn gỗ như gỗ tự nhiên, giá phôi gỗ rẻ hơn, vì vậy gỗ công nghiệp thường rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên. Mức chênh lệch giá tùy thuộc từng loại gỗ khác nhau. Bên cạnh đó, gỗ công nghiệp còn có đặc điểm ưu việt là không cong vênh, không co ngót, thời gian thi công, sản xuất nhanh. Phong cách hiện đại, trẻ trung, công năng sử dụng cao. Bên cạnh những ưu điểm, gỗ công nghiệp có nhược điểm là tuổi thọ ngắn, thường là trên dưới 10 năm.
Với nguồn gỗ tự nhiên ngày càng cạn kiệt, và để đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ trong thiết kế nội thất, sản xuất nội thất gia dụng trong gia đình, ván gỗ nhân tạo ra đời, với nhiều chủng loại phong phú, màu sắc đa dạng, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong nội thất, đặc biệt ván gỗ nhân tạo có đặc tính cơ lý ưu việt là không cong vênh, co ngót nên hiện nay gỗ công nghiệp thường được ứng dụng nhiều trong thiết kế nội thất hiện đại.
VI.2. Khái quát về chế biến gỗ
Chế biến gỗ là quá trình chuyển hóa gỗ nguyên liệu dưới tác dụng của thiết bị, máy móc hoặc công cụ, hóa chất để tạo thành các sản phẩm có hình dáng, kích thước, thành phần hóa học làm thay đổi hẳn so với nguyên liệu ban đầu.
Việc chế biến gỗ sẽ đẩy mạnh việc sử dụng gỗ hợp lý, đúng mục đích, tránh sử dụng lãng phí. Qua đó, việc chế biến gỗ còn có thể nâng cao chất lượng gỗ, kéo dài sức bền tự nhiên và thời gian sử dụng gỗ. Chế biến gỗ còn cho phép tận dụng phế liệu trong khâu khai thác, chế biến thành sản phẩm hữu ích. Cuối cùng chế biến gỗ còn có tác dụng giảm được khối lượng vận chuyển, tiết kiệm được xăng xe do số lượng sản phẩm sau chế biến giảm khoảng 30-40% so với lượng nguyên liệu.
Theo phương pháp chế biến, người ta chia chế biến gỗ thành 2 loại hình chế biến: Chế biến theo phương pháp cơ giới kết hợp với kỹ thuật số và chế biến gỗ theo phương pháp hóa học. Tuy nhiên cách phân loại như vậy không phải là tuyệt đối, vì trong một số loại hình chế biến theo phương pháp cơ giới cũng có quá trình xử lý bằng hóa học và trong loại hình chế biến hóa học cũng có quá trình xử lý bằng cơ giới.
VI.3. Kỹ thuật xẻ gỗ
Đây là loại hình chế biến gỗ cơ giới đơn giản nhất với nguyên liệu là gỗ tròn, gỗ hộp, qua các khâu xẻ phá, xẻ lại, rọc rìa, cắt ngắn… để tạo ra sản phẩm là các loại gỗ hộp, gỗ ván.. có qui cách, kích thước nhất định
Trong xưởng chế biến gỗ, phân xưởng xẻ gỗ được xây dựng đầu tiên. Các loại thiết bị được sử dụng trong xưởng xẻ là: cưa vòng nằm, cưa vòng đứng, cưa sọc, cưa đĩa.
– Máy cưa vòng đứng là thiết bị có ưu điểm nhất vì có thể xoay lật được gỗ, xẻ gỗ theo sơ đồ mạch xẻ khác nhau, mạch xẻ hẹp nên bảo đảm được chất lượng gỗ xẻ, nâng cao tỉ lệ thành khí và dễ cơ giới hóa.
– Máy cưa vòng nằm có nhược điểm chiếm diện tích lớn, chất lượng mạch xẻ không cao và khó cơ giới hóa, máy cưa sọc tuy có ưu điểm có thể hoàn thành nhiều mạch xẻ tốt, giảm được cường độ lao động nhưng hao tổn gỗ do mạch cưa lớn và chỉ thích hợp với gỗ có đường kính lớn.
– Máy cưa đĩa chỉ được dùng để xẻ lại và dọc rìa cắt ngắn để hoàn chỉnh sản phẩm, để nâng cao năng suất cưa đĩa có thể dùng máy 2 lưỡi hoặc cưa đĩa nhiều lưỡi. Bình quân để sản xuất 1m3 gỗ xẻ bình quân cần khoảng: 1,6m3 gỗ tròn, 15-20 KWh điện, còn 1m3 gỗ xẻ xuất khẩu cần 2,5-3,3m3 gỗ tròn.
VI.4. Công nghệ sấy gỗ
Trong công nghiệp chế biến gỗ, sấy gỗ là một khâu công nghệ rất quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm gỗ, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu với những yêu cầu khắt khe về chất lượng. Gỗ sau khi xẻ có độ ẩm cao thường là 80% – 100%. Mục đích của việc sấy gỗ nhằm giảm độ ẩm của gỗ xẻ xuống còn từ 8% -14%, từ đó nâng cao được cường độ, độ bền của gỗ, hạn chế cong, vênh, nứt nẻ, mục, mọt, nấm, mốc, biến chất, giảm độ dư gia công và có thể dự trữ trong kho.
Có thể chia phương pháp sấy gỗ thành 2 nhóm: sấy tự nhiên và sấy cưỡng bức.
– Phương pháp sấy tự nhiên (hong phơi): tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ khô tự nhiên trong môi trường không khí bình thường kết hợp các biện pháp hạn chế các khuyết tật có thể xảy ra (cong, vênh, nứt nẻ, mục, mọt, nấm, mốc). Đây là phương pháp sấy đơn giản và được sử dụng làm phương pháp tiền sấy cho sấy công nghiệp.
– Phương pháp sấy cưỡng bức có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, phù hợp sản xuất công nghiệp, bao gồm các phương pháp: sấy cao tần, sấy chân không, sấy hơi nước, sấy ngưng tụ ẩm, sấy chân không, sấy năng lượng mặt trời và một số công nghệ sấy mới khác hẳn phương pháp sấy thông thường như EDS, biến đổi lignhin … Đối với Việt Nam, phương pháp sấy hơi nước là phù hợp và phổ biến nhất.
Thường phân xưởng sấy gỗ được đặt trong xưởng chế biến cạnh phân xưởng xẻ. Bình quân để sấy 1m3 gỗ thành phẩm cần 28-35 KWh điện, 1,5-2,5 m3 nước, 0,5 tấn hơi nước.
VI.5. Kỹ thuật bảo quản gỗ
Thành phần hoá học của gỗ chủ yếu là các hợp chất hữu cơ như xenlulô, hêmixenlulô, lignhin, vì vậy gỗ dễ bị côn trùng, nấm mốc phá hoại. Trong các điều kiện không khí như: nhiệt độ (15-2800C), độ ẩm (80-90%) và điều kiện độ ẩm gỗ (20-50%)… phù hợp, các loại nấm, côn trùng phát triển nhanh, hại gỗ và làm giảm tính chất của gỗ. Do vậy phải tiến hành bảo quản gỗ bằng các biệt pháp kỹ thuật và hoá chất khác nhau, nhằm nâng cao giá trị sử dụng của gỗ. Các loại thuốc bảo quản gỗ thường dùng:
– Chống mọt hại gỗ: Kantiborer 10 EC, Celcide 10EC, Cislin 25 EC ( nhập ).
– Chống nấm mốc mục, côn trùng hại gỗ, song mây Celbor 90 SP, PCC 100 bột, XM 500 bột
– Chống mục cho tà vẹt: Dầu Creosote
Có thể sử dụng các phương pháp sau:
– Phun quét bề mặt
– Ngâm tẩm trong bể.
– Ngâm tẩm chân không: theo phương pháp tế bào đầy hoặc tế bào rỗng.
Phương pháp tế bào đầy (P/p Bethell): Dùng chân không hút hết không khí trong gỗ ra rồi dùng bơm nén bơm mạnh thuốc bảo quản vào gỗ dưới áp lực mạnh. Nếu cắt gỗ tẩm quan sát thấy ruột tế bào thấm đầy thuốc.
Phương pháp tế bào kép ( Pp Ruping ): Bơm không khí vào gỗ sau đó dùng áp lực mạnh nén thuốc vào không khí ở trong gỗ bị nén lại. Đưa áp lực về bình thường, không khí bị nén lúc đó sẽ dãn ra làm thuốc bị đẩy ra. Cắt gỗ ngâm, quan sát thấy thuốc chỉ bám trên thành tế bào, nên thuốc dùng ít hơn mà tác dụng chống sâu mọt tốt hơn. Có thể sử dụng phương pháp Ruping kép lập lại chu trình tẩm 2 lần và sử dụng thuốc nóng ở nhiệt độ cao để đưa thuốc ngấm vào nhiều hơn.
VI.6. Công nghệ sản xuất đồ gỗ
Đồ gỗ được sản xuất theo các công đoạn gia công chính sau:
• Nguyên liệu gỗ tự nhiên
Gỗ tròn → Cắt khúc → Xẻ gỗ (pha phôi) → Ngâm tẩm hoá chất bảo quản → Sấy gỗ → Gia công chi tiết → Tạo các mối liên kết (đục mộng, khoan lỗ chốt, đinh vít…) →Đánh bóng → Xử lý khuyết tật bề mặt → Lắp ráp hoàn chỉnh → Sơn phủ (trang sức bề mặt) → Sấy khô bề mặt sản phẩm → Đóng gói → Nhập kho.
• Các bước công nghệ sản xuất đồ mộc từ ván gỗ công nghiệp
B1: Thiết kế mẫu
B2: Chuẩn bị, kiểm tra nguyên liệu ván nhân tạo
B3: Tạo chi tiết theo thiết kế (bản vẽ)
B4: Phay rãnh, mộng, tạo hoa văn, đường nét…, khoan lỗ liên kết bằng vít, chốt, bản lề, ổ khoá…
B5: Lắp ráp các chi tiết
B6: Sơn phủ, sấy khô bề mặt sản phẩm
B7: Đóng gói, nhập kho
Liên hệ để được tư vấn miễn phí:
Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Dự án Việt
Trụ sở : 28B Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Web : http://duanviet.com.vn – ĐT: 0918755356
Email : lapduanviet@gmail.com
Công ty Cổ phần Tư Vấn Đầu Tư Dự Án Việt luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng một niềm tin bền vững trong khách hàng, trong đối tác, trong cộng đồng và trong từng nhân viên nhằm mang lại cho họ những giá trị cao nhất